Một doanh nghiệp để hoạt động được đều phải nắm giữ một khối lượng tài sản nhất định, bất kể quy mô to hay nhỏ, ngành nghề nào. Quá trình hoạt động của doanh nghiệp là quá trình làm cho tài sản vận động để đạt được mục tiêu đề ra. Như vậy chủ doanh nghiệp, cũng như các nhà quản lý cần phải luôn nắm được thông tin về tài sản và sự vận động của nó để có thể kiểm soát và có quyết định kinh doanh phù hợp.
Từ lý do trên, ta có thể xác định đối tượng của kế toán là tài sản của doanh nghiệp và sự vận động của nó trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi nói đến tài sản, chủ doanh nghiệp và những người sử dụng thông tin kế toán sẽ cần biết: tài sản của doanh nghiệp gồm những gì ? Tài sản do đâu mà có ? Tài sản đang vận động thế nào ?
Tài sản gồm những gì là câu hỏi quan trọng cần được giải đáp để chủ doanh nghiệp và nhà quản lý biết được doanh nghiệp mình đang nắm giữ bao nhiêu tài sản, trị giá của chúng, tài sản thừa thiếu cho nhu cầu hoạt động thế nào, … . Kế toán phải cung cấp thông tin về từng tài sản và sự vận động của nó trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Có thể liệt kê một số loại tài sản của doanh nghiệp như:
- Tiền
- Hàng tồn kho
- Nợ phải thu
- Tài sản tài chính: cổ phiếu, trái phiếu, …
- Tài sản cố định
Tài sản do đâu mà có cũng là câu hỏi quan trọng không chỉ chủ doanh nghiệp và nhà quản lý quan tâm. Nó còn là sự quan tâm của những đối tượng khác có quyền lợi với doanh nghiệp. Kế toán phải cung cấp thông tin về các nguồn tạo nên tài sản này như sau:
- Vay ngắn hạn, dài hạn
- Nợ phải trả
- Vốn chủ sở hữu
- Lợi nhuận
Tài sản và nguồn vốn có quan hệ mật thiết với nhau. Bất kỳ một tài sản nào cũng phải được tạo ra từ một nguồn vốn nhất định
Tài sản = Nợ phải trả + vốn chủ sở hữu
Tài sản vận động, chuyển hóa thế nào là câu hỏi vô cùng quan trọng đối với chủ doanh nghiệp và các nhà quản lý. Tài sản đầu tư vào doanh nghiệp là để sinh lợi, muốn sinh lợi thì nó phải luân chuyển không ngừng. Khi tài sản chuyển hóa thì nó phát sinh ra các khoản chi phí, đồng thời tạo ra các khoản doanh thu. Kế toán phải cung cấp thông tin về chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra và doanh thu đem về trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Kế toán phải hạch toán đúng, đủ các khoản doanh thu, chi phí thì mới có căn cứ xác định chính xác lãi lỗ trong một chu kỳ kinh doanh. Một số khoản chi phí và doanh thu như sau:
- Chi phí sản suất
- Chi phí bán hàng
- Chi phí quản lý doanh nghiệp
- Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Thông thường SMEs mới ra đời quy mô nhỏ thì chủ doanh nghiệp còn nắm khá rõ những gì mình có, thậm chỉ cả hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa trong thời gian đầu thì bài toán sống còn và phát triển cấp bách hơn bài toán kiểm soát, hiệu quả, nên chủ doanh nghiệp thường lơ là công tác kế toán. SMEs sống được qua 3-4 năm trở lên, lớn lên một chút thì chủ doanh nghiệp bắt đầu cảm thấy mất kiểm soát, hay bắt đầu trả giá cho sai sót (hiệu quả thấp, biển thủ, phạt thuế, …). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì chứng từ sổ sách quá rối rắm, sai lệch, không được lưu trữ đầy đủ, … làm cho việc “vẽ lại bức tranh tài chính” mất nhiều công sức, một số tổn thất không thể phục hồi được. Vì thế, chủ doanh nghiệp muốn làm ăn bền vững thì nên có hiểu biết và quan tâm một chút cho công tác kế toán từ ban đầu.
Nguyễn Hải Tâm