Tham gia ngay! Hãy cùng tìm hiểu các khóa học Đào tạo kế toán thực chiến nhé.

Phương trình kế toán

Giới thiệu phương trình kế toán cơ bản

Trong bài trước Đối tượng kế toán, tôi đã có đề cập đến phương trình 

TÀI SẢN = NỢ PHẢI TRẢ + VỐN CHỦ

Bên trái của phương trình gọi là tài sản, bên phải gọi là nguồn vốn. Theo tôi đây là phương trình cơ bản nhất của kế toán. Chúng ta hiểu được nó là hiểu được điều căn bản nhất của kế toán. Phương trình thể hiện tài sản của doanh nghiệp với tính hai mặt độc lập nhưng luôn cân bằng nhau. Tài sản của doanh nghiệp không phải tự nhiên có mà nó gắn liền với một nghĩa vụ tài chính tương ứng, như tiền của ông chủ đầu tư, tiền nợ, tiền vay.

Chúng ta cùng tìm hiểu vài sự kiện kinh tế phát sinh và minh họa biến động tương ứng của phương trình:

1+ Ông chủ đầu tư 500tr bằng tiền mặt để thành lập doanh nghiệp, phương trình sẽ là: 500 (tiền mặt) = 500 (vốn chủ)

2+ Doanh nghiệp dùng tiền mua 300tr hàng hóa để bán, phương trình sẽ là: 500 (200 tiền + 300 hàng) = 500 (vốn chủ). Chúng ta thấy ở đây biến động chỉ ảnh hưởng một bên của phương trình. Một tài sản là tiền giảm đi và tài sản hàng hóa tăng lên tương ứng. Tổng của tài sản vẫn không đổi và cũng vẫn bằng vốn chủ đầu tư ban đầu.

3+ Doanh nghiệp mua nợ hàng hóa trị giá 200tr, phương trình lúc này sẽ là: 700 (200 tiền + 500 hàng) = 200 (nợ) + 500 (vốn chủ). Lúc này phương trình đã bắt đầu biến động. Tổng tài sản tăng lên 200tr hàng hóa và bên phải xuất hiện thêm khoản nợ phải trả là 200tr.

4+ Doanh nghiệp trả bớt tiền hàng nợ 100tr, phương trình lúc này sẽ là: 600 (100 tiền + 500 hàng) = 100 (nợ) + 500 (vốn chủ).

Qua minh họa hết sức đơn giản trên, chúng ta thấy là một biến động phát sinh đều ảnh hưởng đến ít nhất 2 đối tượng để đảm bảo phương trình luôn cân bằng. Đây chính là nguyên nhân sâu xa vì sao kế toán có phương pháp GHI SỔ KÉP. Kế toán thể hiện nó bằng cách luôn ghi sổ hạch toán ghi NỢ một đối tượng và ghi CÓ một đối tượng khác. Chúng ta không đi sâu vào kỹ thuật khi nào ghi nợ, ghi có mà chỉ cần biết tại sao như thế.

Phương trình kế toán cơ bản còn được sử dụng để kiểm tra tính chính xác của công việc ghi chép và tính toán của kế toán. Kế toán phải ghi chép tính toán sao cho vào bất kỳ thời điểm nào cũng phải thực hiện được phương trình kế toán cơ bản. Nếu có sự vênh nhau giữa tổng tài sản và tổng nguồn vốn vào thời điểm nào đó thì chứng tỏ đã có sai sót, nhầm lẫn hoặc gian lận trong ghi chép tính toán của kế toán.

Do tài sản luôn biến động không ngừng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp nên phương trình chỉ tính được vào một thời điểm nhất định. Nội dung này của phương trình được thể hiện trên bảng cân đối kế toán. Để có số liệu về phương trình kế toán cơ bản, kế toán tính ra các số liệu cuối kỳ của từng số hạng trong phương trình dựa vào số liệu đầu kỳ (tức cuối kỳ trước) rồi điều chỉnh cho số biến độngtăng giảm trong kỳ.

Ta có phương trình sau:

Tổng tài sản cuối kỳ = Tổng tài sản đầu kỳ + Tài sản tăng trong kỳ – Tài sản giảm trong kỳ

Phương trình kế toán cơ bản còn được thể hiện ở một dạng khác khi ta đổi vế: Vốn chủ = Tài sản – Nợ phải trả. Phương trình này thể hiện vốn của ông chủ là những tài sản còn lại sau khi đã trừ hết những khoản nợ phải trả. Mọi biến động của tài sản do kết quả kinh doanh hay do nguyên nhân khác đều phải tính cho ông chủ hưởng hay chịu, hay nói cách khác ông chủ lời ăn lỗ chịu.

Nguyễn Hải Tâm

Leave a Reply